Thiết kế và chế tạo SMS_Hindenburg

Được chế tạo bởi hãng Kaiserliche Werft tại xưởng đóng tàu của họ ở Wilhelmshaven, Hindenburg là chiếc thứ ba cũng là chiếc cuối cùng trong lớp Derfflinger, vốn còn bao gồm các chiếc DerfflingerLützow. Được đặt hàng dưới cái tên tạm thời Ersatz Hertha[Ghi chú 2] nhằm thay thế cho chiếc tàu tuần dương bảo vệHertha, lườn của Hindenburg được đặt vào ngày 30 tháng 6 năm 1913. Nó được hạ thủy vào ngày 1 tháng 8 năm 1915, nhưng do thay đổi độ ưu tiên chế tạo trong thời chiến, nó chỉ hoàn tất vào ngày 10 tháng 5 năm 1917, lúc đã quá trễ để có hoạt động nào đáng kể trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.[1] Vào thời đó, tình báo hải quân Anh tin rằng con tàu được đưa vào hoạt động trễ vì linh kiện của nó bị tháo dỡ phục vụ cho việc sửa chữa chiếc Derfflinger bị hư hại trong trận Jutland vào tháng 6 năm 1916.[2] Thực ra công việc chế tạo tiến hành chậm là do thiếu nhân lực lao động tại xưởng tàu.[3]

Dàn pháo chính của Hindenburg bao gồm tám khẩu pháo 30,5 cm (12,0 in) SK L/50 trên bốn tháp pháo nòng đôi, tương đương với hai con tàu chị em.[4] Tuy nhiên các tháp pháo này thuộc kiểu Drh LC/1913, được cải tiến so với phiên bản Drh LC/1912 trên Derfflinger và Lützow, cho phép nâng các khẩu pháo lên tối đa đến góc 16°[5] so với chỉ 13°5 trên kiểu trước. Điều này tạo ưu thế cho tháp pháo Drh LC/1913 có được tầm bắn tối đa xa hơn 2.000 m (2.200 yd)[Ghi chú 3][6] so với kiểu tháp pháo cũ.[Ghi chú 4] Giống như tàu chị em Lützow, Hindenburg được trang bị mười bốn khẩu pháo 15 cm (5,9 in) SK L/45 và bốn ống phóng ngư lôi ngầm 60 cm (24 in) thay vì mười hai khẩu 15 cm và bốn ống phóng 50 cm (20 in) như trên chiếc Derfflinger. Mặc dù dài hơn 2,5 m (8,2 ft) và nặng hơn 300 tấn (300 tấn Anh; 330 tấn thiếu) so với các con tàu chị em, Hindenburg lại nhanh hơn, đạt được tốc độ tối đa 26,6 kn (49,3 km/h; 30,6 mph) khi chạy thử máy so với tốc độ 25,5 kn (47,2 km/h; 29,3 mph) của Derfflinger.[7]